Anh Bình chia sẻ: Đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh, khiến cuộc sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Để hỗ trợ gạo cho những hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch, các nhà hảo tâm đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai lắp đặt nhiều máy ATM phát gạo miễn phí. “Tuy nhiên, chúng tôi tìm hiểu thấy cơ chế hoạt động của những máy này không có tính năng bảo đảm giãn cách cho người đến nhận gạo và không phát hiện được người nhận gạo nhiều lần trong ngày. Do vậy, tôi và anh em trong công ty đã triển khai thiết kế máy ATM phát gạo thông minh đáp ứng được những tiêu chí trên. Ngày 13-7, chúng tôi triển khai lắp đặt máy ATM đầu tiên tại địa chỉ 12A Núi Thành, phường 13, quận Tân Bình. Và tính đến nay đã lắp đặt được 11 máy tại nhiều quận trên địa bàn TP Hồ Chí Minh với hơn 84.700kg gạo đã được phát tận tay bà con”, anh Bình cho biết.
Người dân tại khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đến nhận gạo miễn phí tại máy ATM thông minh. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Theo đó, máy ATM thông minh có thiết kế hình hộp (0,9x0,8x1m) làm bằng sắt và có bánh xe di chuyển. Thiết bị bao gồm thùng đựng gạo dung tích 500 lít làm bằng inox và van đóng mở bằng điện. ATM ứng dụng trí tuệ nhân tạo để nhận diện khuôn mặt có độ chính xác đến 95% đối với người đeo khẩu trang và 99% với người đeo kính chắn giọt bắn. Sau khi được nhận diện, máy sẽ chỉ phát cho mỗi người 3kg gạo một lần trong 7 ngày để hạn chế tập trung nhiều người đến nhận gạo. Trường hợp người đến nhận gạo nhiều lần, máy sẽ hiện thông báo màu đỏ và không phát gạo. Mỗi ngày, ATM có thể phát 1,5 tấn gạo trong 8,5 giờ đồng hồ cho hơn 500 người. Số lượng gạo mỗi lần phát có thể điều chỉnh tùy người quản lý máy. Ngoài ra, máy còn sử dụng công nghệ điện toán đám mây giúp lưu trữ thông tin người nhận gạo và nếu họ đi nhiều máy ATM cũng không thể nhận nhiều lần. Máy tự động thu thập dữ liệu để cập nhật báo cáo tình hình nhận gạo trên website: atmgao.com, để mọi người có thể lên website tra cứu xem số tiền mà mình ủng hộ hiện đang được chi tiêu như thế nào, số gạo mà mình đóng góp đang được phát ở đâu để việc từ thiện trở nên minh bạch, rõ ràng.
Nói về dự định trong thời gian tới, anh Bình cho biết, nhóm của anh sẽ triển khai lắp đặt thêm 50-100 máy khắp TP Hồ Chí Minh để giúp đỡ người nghèo. Nhóm cũng chia sẻ rộng rãi toàn bộ kỹ thuật thiết kế về cơ khí để các nhà hảo tâm trên cả nước dựa vào đó có thể tự chế tạo được máy ATM gạo để lắp đặt tại địa phương mình. Để chế tạo được máy ATM gạo thông thường sẽ mất chi phí khoảng 5 triệu đồng, với máy ATM gạo thông minh đầy đủ các chức năng nói trên thì chi phí khoảng 14 triệu đồng.
LA DUY